Trả lời nhiều bạn hỏi gần giống nhau: “Em thấy đúng là việc hóa mã gây ô nhiễm nhưng nếu không hóa mã thì cúng gì bây giờ, ít nhất là để cho an lòng?”
-------------
Việc “để cho an lòng” sẽ bàn sau vì nó liên quan tới nguyên nhân sâu xa gây ra cái bất an.
Muốn biết cúng cái gì thì đầu tiên phải biết bạn muốn dâng cúng tới ai và nhằm mục đích gì?
Lại cần một vài câu hỏi rộng mở tâm trí:
- Những nước hóa mã nhiều như Việt Nam, Trung hoa có no đủ hơn, có nhân văn hơn những nước không hóa mã hay không?
- Nếu cái khói bụi từ việc hóa mà phàm nhân không chịu nổi, không thể cất trong nhà phải tống ra không gian công cộng làm hàng xóm còn phải đóng cửa thì vì sao lại tin các Đấng hay Thần linh không tránh xa cái ô trược ấy mà lại tới để “chứng” rồi phù hộ?
- Nếu việc hóa là đáng trân trọng đến thế thì sao ông chủ [người trụ cột tinh thần trong một gia đình, hoặc người cao tuổi nhất] không tự tay làm mà thường giao cho osin?
- Xứ ta đốt hàng cơ khí công nghệ cao nhiều lắm, tàu thuyền, Mercedes-Benz hẳn hoi mà sao không được “hóa” để có ngành đóng tàu, ngành ô tô cho ra hồn?
- Lại tưởng tượng một chút: nếu London, Paris mù mịt hóa mã thì bạn nghĩ thế nào? Nếu các mệnh phụ Paris chổng mông đốt giấy ở cống trước nhà hay hành lang chung cư?
Sự cúng dường là một hình thức bố thí, hoặc là để mong cầu được cộng hưởng tần số - nôm na là cầu gia trì năng lượng của Chư Thiên hoặc là để tri ân tiên tổ hoặc là để tỏ lòng thương xót chúng sinh [ví dụ như cúng thí cháo cho chư vong ở ngoài cổng ngõ].
Nếu với mục đích được gia trì thì cần dâng cúng những vật phẩm tần số cao mà trong cõi vật chất thì không gì hơn là tinh dầu thơm [tinh túy của loài thảo mộc], hoa thơm và âm nhạc. Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, mới mong chiêu cảm tới các cõi rung động vi tế.
Nếu cúng với mục đích tỏ lòng hiếu kính tri ân tiên tổ thì bạn đọc Kinh Tăng Chi Bộ IV, Phẩm Janussoni, trong đó Đức Phật trả lời câu hỏi của một Bàlamôn tên là Janussoni. Tóm tắt như sau:
Sau khi cung kính đảnh lễ, hỏi thăm, Bàlamôn Janussoni bạch Thế Tôn:
– “Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi làm các lễ cúng cho người chết. Mong rằng việc cúng thí này cho bà con đã chết được lợi ích! Mong rằng, bà con huyết thống đã chết, thụ hưởng bố thí này! Bố thí như thế có lợi ích gì cho bà con đã chết không? Bà con huyết thống đã chết có được thụ hưởng hay không?”
Đức Phật giải thích:
– “Này Bàlamôn, nếu có TƯƠNG ƯNG XỨ, thì có lợi ích; nếu không có tương ưng xứ thì không có lợi ích. Những người nào sau khi mạng chung, thác sinh vào địa ngục, sinh vào loại bàng sinh, sinh cộng trú với loài người, sinh cộng trú với chư thiên. Những vị này, được nuôi sống và tồn tại với những món ăn ứng với cảnh giới của các vị ấy. Đây là không tương ưng xứ; tái sinh ở những nơi ấy, các vị ấy không được hưởng lợi ích của sự cúng thí này. Những, người nào sau khi mạng chung, sinh vào cõi ngã quỷ. Vị ấy được nuôi sống và tồn tại với những món ăn ứng với cảnh giới của ngã quỷ. Món ăn nào, các bạn bè, thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống muốn hướng cúng cho vị ấy; tại đấy, vị ấy sống với món ăn đó, tồn tại với món ăn đó. Này Bàlamôn, đây là tương ưng xứ, trú nơi đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy.”
Như vậy, chỉ có ngã quỷ thụ hưởng món cúng, đúng ra là thanh điển hay sinh khí trong đồ chúc thực. Giấy phế liệu, nhộm phẩm độc, gia công với keo dán… có sinh khí không?
Gợi ý sách nên đọc để hiểu về cúng dường và hồi hướng:
* “Advice from the Lotus-Born” một văn bản Mật tông của đức Liên Hoa Sinh Padmasambhava do công chúa Yeshe Tsogyal ghi lại và được xuất bản thành sách. Erik Pema Kunsang dịch từ Tạng văn sang Anh ngữ và An Phong dịch Anh –Việt. Văn bản này nói chi tiết về việc cúng dường, hồi hướng, đọc nó sẽ hiểu cần làm gì và làm thế nào để lợi lạc quần sinh đích thực.
* Quyển “Kinh Lời Vàng” nguyên tác Hán văn là “Phật giáo Thánh Kinh” do bà Dương Tú Hạc dày công trích yếu trong ba Tạng giáo điển gồm 175 bộ vừa Kinh, Luật, Luận. Những bộ Kinh vĩ đại nhất của Phật Giáo đều có mặt như: bộ Đại Bát Nhã 600 quyển, bộ Tạp Thí Dụ 80 quyển, bộ Hoa Nghiêm 80 quyển. Riêng bộ Hoa Nghiêm được trích dẫn đến 80 lần. Năm 1962 Hoà thượng Thích Trí Nghiêm đa xin phép dịch và xuất bản ở Huế.
* Kinh điển Tiểu thừa “Tirokuṇṇapetavtthu” phẩm Khuddakanikāya, bộ Petavatthu do Tỳ kheo Dhammarakkhita Bhikkhu dịch Việt.
* Kinh “Địa Tạng Bồ-tát bản nguyện” Phẩm thứ 7.
Tôi kể chuyện đến đây thôi, bạn tự kết luận. Ảnh internet.