Trả lời bạn: “Em thấy có Chuyên gia Thực dưỡng nói dầu hạt lanh [Flaxseed oil] chỉ để dùng trong công nghiệp sơn dầu mà bây giờ tuyên truyền để ăn và thai phụ chỉ ăn dầu vừng [Sesame oil], không nên ăn dầu lanh.”

Trước hết:
1/ ĐỐI VỚI THAI PHỤ:
- Trong thai kỳ có rất nhiều thứ cần thận trọng khi dùng nhiều hay dùng thường xuyên, bạn cần tư vấn chuyên khoa dinh dưỡng chứ đừng nghe sang tai trên mạng từ người bán hàng, ví dụ như rau ngót, rau chùm ngây, mướp đắng… là những món ăn tốt nhưng thai phụ nên hạn chế. Hạn chế không có nghĩa là cấm chỉ, ví dụ mỗi tuần ăn 2 bát canh rau ngót thì không phát sinh vấn đề nhưng nếu ăn mỗi ngày 2 bữa canh rau ngót thì có lẽ không nên.
2/ VỀ HẠT LANH:
- Việc trồng lanh lấy hạt ép dầu đã có lịch sử rất lâu, trước cái thời có sơn dầu. Bạn đọc bài này thay câu trả lời http://www.vienungthu.com/dau-hat-lanh-la-gi.html. Và bạn nên nghĩ tới lợi ích nhóm, nếu đang bán dầu vừng thì sẽ chê tất cả các loại dầu khác để giữ thu nhập, sự phong phú của Tạo hóa hay sức khỏe của bạn họ không quan tâm.
- Dầu hạt lanh có ưu điểm đặc biệt vì nhiều omega-3 như dầu cá, trong khi đa số dầu thực vật không nhiều omega-3 mà nhiều omega-6. Ngoài dầu lanh, dầu chia, dầu gai, dầu óc chó, dầu hạt cải đều thuộc nhóm giàu omega-3.
3/ VỀ VỪNG:
- Theo Đông y, vừng là loại thực phẩm có tính hàn, dùng để bổ âm, giải nhiệt tốt, người thể hàn mà dùng lâu dài sẽ rối loạn mãn tính đường tiêu hóa, vì vậy những người có cơ địa nhuận trường, bụng yếu dễ bị tiêu chảy, dễ bị cảm mạo… không nên ăn vừng. Nếu bạn đã nhuận tràng thì không nên ăn nhiều vừng, nhưng không có nghĩ là cấm chỉ ăn vừng.
- Trong vừng chứa 5,36% axit phytic là chất cản trở dinh dưỡng, làm giảm hấp thu canxi, magie, sắt, kẽm... mặc dù chính vừng chứa nhiều canxi, do đó chúng ta cần tìm cách chế biến hợp lý.
- Dầu vừng [đặc biệt là dầu ép lạnh] có nhược điểm lớn là điểm khói rất thấp, không dùng cho chiên rán mà chỉ nên thêm vào đồ ăn khi nấu xong. Muốn chiên rán bằng dầu vừng thì bắt buộc phải mua loại tinh luyện. Mà tinh luyện thì bao giờ cũng có phụ gia.
- Nhược điểm rất lớn của dầu vừng là mất cân đối nghiêm trọng giữa tỷ lệ omega-3 & omega-6. Tỉ lệ lý tưởng khuyến cáo hiện nay là biên độ: 1 omega-3 & 1-4 omega-6. Nếu chỉ dùng dầu vừng mà không phối hợp với các dầu nhiều omega-3 thì rất dễ bị viêm chân răng, viêm khớp, u vú. Trong biến dưỡng, cả hai đều sử dụng chung một số enzymes, nếu omega -6 quá nhiều, nó sẽ chiếm lấy hết các enzymes và vitamins cần thiết khiến omega-3 không thể hoạt động một cách hoàn hảo để bảo vệ tim mạch, và còn gây đau nhức viêm sưng. Có nghiên cứu cho rằng nhiều omega-6 gây ung thư vú [bạn tham khảo http://ungthubachmai.com.vn/dinh-dng/item/2466-omega-6-và-nguy-cơ-ung-thư-vú-ở-bà-bầu.html].
Tôi chép một đoạn so sánh tỷ trọng omega-3/6 ở vài loại dầu [tính theo 1 thìa xúp].
* Dầu hạt lanh [Flaxseed oil, rất cao omega-3 có thể phối hợp với các loại dầu ít omega-3].
Omega-3 = 7.196 mg
Omega-6 = 1.715 mg
* Dầu hạt chia [Chia seed oil có tỷ lệ lý tưởng]
Omega-3 = 4.915 mg
Omega-6 = 1.620 mg
* Dầu vừng [Sesame oil quá nghèo omega-3 quá nhiều omega-6]
Omega-3 = 40 mg
Omega-6 = 5.576 mg
* Dầu o liu [Olive oil]
Omega-3 = 103 mg
Omega-6 = 1.318 mg
* Dầu rum [Safflower oil cực cao omega-6 mà thiếu hụt omega-3 nhưng có ưu điểm là điểm khói cao, rất tốt để chiên rán]
Omega-3 = 0 mg
Omega-6 = 10.073 mg
- Gia đình tôi dùng phối hợp dầu lanh và dầu olive, dầu lanh và dầu vừng, dầu chia và dầu vừng, dầu lanh và dầu rum... dầu hạt cải hữu cơ, hạt óc chó, hạt mắc-ca như tôi đã chia sẻ trước đây trong album Chất béo.
- Tôi thích ăn vừng, tôi tìm hiểu rất nhiều cách chế biến vừng để làm sao tận dụng dinh dưỡng cao nhất đồng thời khắc phục các nhược điểm. Trong tất các món vừng mà tôi sưu tầm được, thì món chè vừng xay của người Hoa là lành nhất. Họ ngâm vừng để loại bỏ chất kháng dinh dưỡng, sau đó xay và nấu với nước [không bao giờ tới điểm khói] thành món chè rất bổ dưỡng. Để khắc phục tính hàn của vừng, họ thêm chút ít trần bì rất dậy mùi. Một số vùng Tiểu Á ăn nhiều vừng, họ chế thành món giống như tương của ta nhưng đặc hơn và họ còn dùng mỡ ngựa như vậy có sự cân đối hai loại omega-3/6. Người Nhật ăn rất nhiều cá biển chứa omega-3 nên họ có thể ăn nhiều vừng mà không mất cân đối giữa hai yếu tố này.
LƯU Ý: Trên đây chỉ là các chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tôi là phụ nữ nội trợ, không phải tư vấn chuyên khoa. Các bạn hãy nghiên cứu cẩn thận về dinh dưỡng bởi nó là kiến thức bắt buộc phải có cho sức khỏe thể chất và tinh thần, nền tảng cho tiến hóa. Tiếc rằng, khoa dinh dưỡng không được phổ cập đúng bắt đầu từ trường học mà để mặc các nhóm lợi ích thao túng dẫn tới bệnh viện đông nghẹt bệnh nhân. Còn trên mạng xã hội, thậm chí bệnh nhân thần kinh/tâm thần cũng có thể lập tài khoản và dạy bảo người khác ăn gì, tôi biết điều này là nhờ chính các con bệnh đó liệt kê cho tôi biết các loại thuốc mà họ đang phải dùng mỗi ngày.