Kinh nghiệm nấu cơm độn lứt, đậu xanh, đậu đỏ, hạnh nhân, hạt sen. Truyền thống nhà mình ăn lứt theo hai mùa rõ rệt và theo lứa tuổi. Mùa nóng giảm lứt mùa lạnh tăng lứt. Các cụ ăn cháo lứt hầm qua đêm, tổng thời gian cho món cháo là ~ 25 giờ. Trẻ con sau một tuổi cũng tập ăn lứt từ nước cháo lứt. Thanh niên ăn cơm độn lứt 30% [1 bữa 1 ngày] nhưng do hiện nay lứt bị ô nhiễm asen nên giảm xuống còn 15% lứt. Các bữa khác ăn lúa mỳ, lúa nếp hoặc hỗn hợp mễ cốc để tránh tối đa việc lúa gạo nhiễm asen.

Loại lứt đen, lứt tím, lứt hoang dại phải ngâm lâu nhất rồi tới lứt nâu hạt dài và nhanh hơn là lứt hạt tròn – đây là kinh nghiệm về độ mềm của cơm.
Mình rửa lứt, ngâm với nước nóng thêm mấy hạt muối từ tối hôm trước tới 18 giờ chiều hôm sau mới nấu cùng gạo xát – tức là khoảng 20-22 tiếng. Trong thời gian đó cần thay nước, nước ngâm đổ bỏ hoặc tưới cây cảnh [nếu không cho muối]. Gạo xát vo xong, vỗ ráo để 15-20 phút rồi nấu chung với lứt cùng một mức nước.
Nếu độn hạt sen thì ngâm hạt tươi ~ 2 tiếng rồi nấu cùng như trên. Sen khô thường nấu chè, làm món chứ không độn cơm.
Nếu độn đậu xanh thì dùng loại đã cán, tách vỏ, ngâm nhanh hơn hạt nguyên nhưng cũng cần trên 12 tiếng. Rồi cũng nấu cùng một mức nước với đậu 5% - lứt 15% - gạo xát 80%. Đậu phải thay nước nhiều lần hơn lứt.
Nếu độn đậu đỏ nhỏ azuki hay độn hạnh nhân thì ngâm vào buổi sáng, tới chiều là nấu được, khoảng 8-12 giờ.
Việc ngâm các loại hạt là bắt buộc bởi đó là cách duy nhất để loại bỏ các chất kháng dinh dưỡng tự nhiên trong hạt và phôi.
Mong được các bạn chia sẻ kinh nghiệm.