Hạt sen thì không đâu bằng sen Huế, dẻo bùi, đậm đà với hương thơm đặc biệt, vừa như thoảng mùi hoa Mộc [Osmanthus] vừa như mùi hạt mít hấp. Theo các cụ kể, thời Nguyễn, hồ đầm thuộc triều đình chỉ trồng giống sen trắng, bông nhỏ nhưng thơm, hạt rất ngon. Sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận di sản, Bạch Liên hoa đang được khôi phục trồng ở hồ Thái Dịch. Giống sen hồng và sen đỏ Quan Âm thì nhiều nơi trồng, được ưu chuộng nhất là hạt sen Tịnh Tâm hồ. Đậu ngự Huế cũng nổi tiếng ngon nhất nước Nam. Đặc biệt đậu ngự vừa hái vỏ còn màu xanh pha hồng.
Mình giới thiệu chè hạt sen, đậu ngự nấu sánh, kiểu cho trẻ con bồi bổ và sẽ giới thiệu tiếp chè hạt sen đậu ngự kiểu cung đình, hình thức đẹp trang nhã để cúng dường.
NGUYÊN LIỆU: - Hạt sen tươi Huế. - Đậu ngự tươi Huế. - Làm ngọt bằng: Mạch nha lúa nếp Mộ Đức, Quảng Ngãi + Đường phổi Nghĩa Điền, Quảng Ngãi. - Muối biển vài hạt nhỏ. - Bột sắn dây một thìa cafe.
CÁCH NẤU:
- Đậu ngự rửa sạch ngâm 30’ bóc vỏ. Nếu dùng đậu khô sẽ phải ngâm 4 tiếng.
- Hạt sen đột tâm rửa sạch.
- Ninh lửa vừa cả 2 loại, nước sôi hớt bọt, hạ lửa nhỏ, hé vung. Đậu ngự tươi sẽ bở tơi, trẻ con rất dễ ăn. Nếu bạn thích nhìn thấy nguyên hạt đậu thì cho đậu vào sau sen.
- Chè sôi cho một thìa xúp mạch nha.
- Nghiền viên đường phổi, thêm thìa nhỏ bột sắn dây, hòa cùng một ít nước cho vào quấy nhẹ tay.
Nên nấu chè bằng nồi thủy tinh hay nồi gốm. Trong hình chén chè bằng đá cẩm thạch.
Chè sen ăn nóng hay mát đều ngon. Ngày nay, người ta cho đá vào món chè làm hỏng vị giác, đánh mất hương tinh khiết của các loại nguyên liệu nấu chè. Chè cũng giống nước hoa – có 3 vị, khi cho đá vào chè sẽ như thế này: Vị đầu – tê buốt Vị giữa – ngọt xợt Vị cuối – nước rửa cốc.