Một bạn hỏi về việc con ăn dặm theo Thực dưỡng Ohsawa nhưng tiêu chảy kéo dài. Mình không là ‘tín đồ’ của phái Thực dưỡng tuy ăn chay trường và có nghiên cứu thực dưỡng như mình đã kểhttps://www.facebook.com/photo.php?fbid=1441698809484120&set=a.1390309464623055.1073741827.100009320443220&type=3&theater&__mref=message, giờ chia sẻ một số suy nghĩ tới các bạn đang cùng quan tâm.

Phương pháp Thực dưỡng Ohsawa hay như người ta thường gọi là “gạo lứt muối mè” chỉ mới ra đời từ giữa thế kỷ XX, trước đó nhân loại đã tích lũy vô vàn kiến thức về thực phẩm. Loài người biết trồng lúa [lúa gạo, lúa mỳ, lúa mạch] từ rất xa xưa. Việc dùng gạo lứt hay gạo giã có vô số kinh nghiệm lưu truyền trong dân gian hoặc đã được đúc kết thành hệ thống lý luận và thực hành, ví dụ như trong nền y thuật Ayurveda từ cách đây 4.000 năm.
Gạo lứt là loại gạo toàn phần [whole grain] bởi thóc chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa xát bỏ lớp cám và phôi. Lớp cám và phôi tuy chỉ chiếm 10% hạt nhưng lại chiếm tới 65% giá trị dinh dưỡng. Gạo lứt khi nấu thành cơm không nở như gạo xát, khó tiêu nên phải ngâm gạo kỹ trước khi nấu. Thêm nữa cần nhai rất kỹ.
Y thuật Ayurveda nhận xét rằng, loại gạo không thực sự quan trọng mà quan trọng là phản ứng của thực phẩm với từng loại hình cơ thể phụ thuộc vào yếu tố mà Ayurveda gọi là “Agni”, trong đó bao gồm các vấn đề tiêu hóa. Ayurveda không đánh giá lúa gạo chỉ đơn giản trên xơ, calo, khoáng, vitamin hay âm dương… mà tính tới những gì xảy ra trong tiêu hóa THEO MÙA, theo TẠNG KHÍ, theo LỨA TUỔI, theo KHẢ NĂNG TIÊU HÓA, theo CÁCH CHẾ BIẾN. Y thuật Ayurveda còn nghiên cứu cách thức ăn phù hợp cho hoạt động của từng luân xa, màu da khác nhau, cho hoạt động trí não hay chân tay…
Cách tốt nhất là tiêu thụ gạo giã vào mùa hè, khi “Agni” tự nhiên yếu và gạo lứt vào mùa đông khi “Agni” ở đỉnh cao. Gạo xát ít chất hơn so với lứt, nhưng nó vẫn có giá trị dinh dưỡng và dễ dàng hơn nhiều để tiêu hóa. Vì lý do này gạo xát được khuyến cáo khi khả năng tiêu hóa thấp mà điều này thay đổi tự nhiên THEO MẶT TRỜI. Thời gian trong những tháng nóng “Agni” ở điểm yếu nhất, cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, chọn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa. Gạo lứt khuyến cáo cho những tháng mùa lạnh.
Ayurveda không chỉ xem xét thực phẩm theo mùa mà còn từng cá thể, lứa tuổi, đối với người có khả năng tiêu hóa tốt khuyến khích lứt, đối với người có hệ tiêu hóa nhạy cảm và trẻ nhỏ cần dùng gạo giã. Để giúp cho tiêu hóa tốt, gạo lứt cần được ngâm nước nhiều giờ trước khi nấu nhằm gia tăng khả năng hấp thu. Gạo lứt nên chế thành cháo, xúp, hay lên men như rượu nếp, tương nếp. Để dinh dưỡng hoàn hảo hơn, ngâm lứt 20 giờ trong nước ấm trước khi nấu, quá trình này kích hoạt các enzym lợi dưỡng khác nhau trong gạo.
Một nguyên tắc nữa, nếu bạn không thấy ngon thì đừng ăn. Bạn đừng phụ thuộc cứng nhắc vào sách vở mà hãy khám phá chân lý từ quan sát tự nhiên. Trong tự nhiên có vô vàn loại thảo mộc mà loài người có thể thu hái làm thức ăn, chế tinh dầu… nên tận dụng sự phong phú này, không nên chỉ bó hẹp vào một vài loại còn những loại khác bỏ phí. Cái quan trọng là chế biến.
Một điểm nữa, Thực dưỡng Ohsawa, y thuật Ayurveda v.v… là những kinh nghiệm từ vùng địa lý khác, bạn là người Việt, cần suy nghĩ về các kinh nghiệm truyền thống của dân tộc. Mùa hè, nhất là những ngày oi bức, vì sao các cụ nấu nồi cháo gạo trắng với đậu xanh, vì sao chọn những món ăn rất nhẹ, rất dễ tiêu? Vì sao các cụ không nấu gạo lứt? Vì sao mùa đông có món chè bà cốt, nấu lúa nếp lại thêm gừng? Vì sao gói bánh chưng có thịt lợn kèm đậu xanh? Vì sao không ăn bánh chưng vào mùa hè? Vì sao dùng nếp lứt để ủ rượu nếp?
Nghiên cứu cho thấy lứt chứa arsen vô cơ nhiều hơn 80% so với gạo xát cùng loại vì arsen có xu hướng tích tụ ở lớp ngoài của hạt http://www.consumerreports.org/cro/magazine/2012/11/arsenic-in-your-food/index.htm.
Một vấn đề cần quan tâm là gạo lứt khó bảo quản, rất dễ bị nấm mốc trong điều kiện thời tiết nước ta độ ẩm cao. Gạo lứt để ở ngoài không khí chỉ trong vòng một tháng là sản phẩm xuống chất lượng, bảo quản bằng túi yếm khí thì được sáu tháng. Khi gạo có mùi hăng, hôi khét hay mùi mốc thì tuyệt đối không ăn kể cả người lớn hay trẻ em vì khi đó còn có chất gây ung thư.
Vấn đề cuối cùng là cần tìm nguồn gạo an toàn.
Nếu bạn cứ nhất quyết xin một công thức cụ thể cho trẻ ăn dặm vào mùa này thì theo các bước sau: - Khởi sự cháo gạo giã 100% ninh kỹ và nghiền ngày xưa các cụ gọi là cháo hồ. - Kế tiếp cháo gạo giã 90% + 10% bí ngô già + 1 giọt dầu vừng cho 1 bát. - Kế tiếp cháo gạo giã 85% + 10% bí ngô già + 5% đậu xanh đãi vỏ ngâm kỹ + 2 giọt dầu vừng. - Khi trẻ thuần thục, bạn thêm gạo lứt từng chút một nhưng không quá 30% và nhớ ngâm lứt trước khi nấu, tốt nhất là ngâm bằng nước nóng thêm vài hạt muối. Sau đó bạn có thể thêm đậu đỏ nhỏ hạt. Trẻ con nhà mình 1 tuổi mới bắt đầu ăn cháo lứt ninh chậm qua đêm. Gạo ngâm từ chiều.