
Thấy các bạn sôi nổi về chuyện gạo lứt mình chia sẻ thêm kinh nghiệm. Nhà mình dùng gạo lứt [đỏ, trắng, tím…] đã ít nhất 4 thế hệ nhưng không cứng nhắc kiểu sùng bái lứt mà áp dụng tùy thực tế.
Khi các con mình vào cấp 2, một tuần có 3 buổi tối đi học ngoại ngữ, cơm lứt phải nhai lâu gấp 3-4 lần cơm xát, nếu cho ăn lứt thì bữa ăn kéo dài, trẻ không đủ thời gian nghỉ ngơi trước khi đi học buổi tối, những bữa đó mình không độn lứt mà cho ăn đồ nấu nhừ, xúp… để tiết kiệm thời gian cho tụi nhỏ mà vẫn dinh dưỡng.
Tập làm quen với lứt: khi ninh cháo lứt với đậu đen, đậu đỏ… [ninh qua đêm] để các cụ ăn sáng thì múc vài thìa nước cháo lứt thêm vào cháo trắng của trẻ con, thấy tiêu hóa ổn thì tăng dần nước cháo lứt cho tới khi nấu cháo gạo xát pha 5% lứt. Mình ngâm lứt, vỗ ráo, rồi xay lứt nấu cháo chứ không để nguyên hạt. Nước cháo này có thể pha sinh tố với các bột thảo mộc khác như bột hạt sen, bột vừng, sữa bột, xoài, chuối, sokola, vi tảo lục, bột hạt bí…
Khi các bạn kể chuyện con ăn dặm bằng lứt bị phân sống hay rối loạn tiêu hóa mình đều chỉ tới ông lang Cầu chuyên nhi khoa ở 12 Nguyễn Thượng Hiền, quận Hoàn Kiếm, HN để khám và chữa đông y. Vấn đề không phải ở vỏ cám mà là phôi mầm lứt. Phôi này rất khó tiêu. Nước bọt và dịch tiêu hóa bên trong của bé chưa phát triển đủ để tiêu hóa được phôi gạo. Nếu bạn cho bé ăn lứt cần ngâm, ninh rất nhừ và tập từ từ. Tất cả các loại hạt như kê, vừng, lạc, đậu đỗ, hạnh nhân, hạt bí… đều chứa đựng phôi mầm, nếu bạn theo trường phái sùng bái phôi, bạn có thể cho bé tập ăn các hạt nguyên đó nhưng vẫn phải bảo đảm chế biến đúng.
Vì sao ngày nay việc quảng bá lứt rầm rộ thế? Trước đây, khi kỹ nghệ đánh bóng gạo chưa bùng nổ, tổ tiên ta dùng loại gạo truyền thống gọi là “gạo xát dối” còn rất nhiều cám bổ dưỡng. Sau đó máy xát kỹ lắm, lấy vỏ cám chiết xuất dầu, làm thức ăn chăn nuôi, mỹ phẩm… hạt gạo bóng bẩy trắng đẹp, cơm nở hơn, dễ bảo quản gạo hơn [vì không còn dầu cám] nhưng giảm dinh dưỡng.
Một vấn đề là ăn lứt phải nhai rất lâu, nhai lâu thì sẽ dùng ít thức ăn, không ăn được nhiều sản vật phong phú với nhiều chất bổ khác. Các bạn nghĩ xem, vì sao loài người dùng cả mễ cốc lứt và mễ cốc xát [không riêng lúa gạo mà cả lúa mỳ, lúa mạch] trong suốt chiều dài lịch sử – có lý do của nó.
Ảnh là cơm nhà mình, độn lứt 30% và độn hạt sen tươi.